Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 73 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên, bầu Quốc hội nước Việt Nam - 69 năm Ngày truyền thống học sinh, sinh viên và Hội Sinh viên Việt Nam (9/1/1950 - 9/1/2019) ! .

GIỚI THIỆU

TƯ LIỆU VỀ ĐOÀN

GÓC THANH NIÊN

THƯ VIỆN



Tài liệu tuyên truyền

I. TÌNH HÌNH SÓC TRĂNG TRƯỚC KHỞI NGHĨA NAM KỲ 11/1940

Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918), nước Pháp lâm vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng, nên chúng tăng cường khai thác thuộc địa, ra sức vơ vét tài nguyên, đẩy mạnh bóc lột thuộc địa… Sóc Trăng là vùng đất mới khai phá, kinh tế nông nghiệp đầy hấp dẫn, Pháp tập trung để khai thác, chúng dùng mọi thủ đoạn cướp đoạt ruộng đất, bóc lột địa tô, tăng thuế…đời sống nhân dân cơ cực, nghèo đói, mâu thuẫn xã hội ngày càng tăng.

Dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu yêu nước, nhân dân Sóc Trăng cùng với nhân dân Nam Kỳ liên tục chiến đấu chống thực dân Pháp. Năm 1867, một nông dân tên Chương đã tập hợp được 1.000 nghĩa quân, lập căn cứ khởi nghĩa ở Duy Hòa (nay là Hòa Tú, Gia Hòa, huyện Mỹ Xuyên) gây cho chúng nhiều tổn thất.

Vào những năm đầu của thế kỷ XX, nhiều hoạt động đấu tranh yêu nước diễn ra trong cả nước. Tháng 6/1925, Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội ra đời đã có tác động rất lớn đến các phong trào chống Pháp. Nhiều thanh niên yêu nước từ những địa phương khác đến Sóc Trăng tiếp tục tuyên truyền, cổ vũ lòng yêu nước của nhân dân nơi đây và tổ chức mọi người vào “Hội kín” chịu ảnh hưởng của tư tưởng cách mạng vô sản. Năm 1928, ở làng Mỹ Quới quận Phước Long (nay là xã Mỹ Quới, thị xã Ngã Năm)đã xuất hiện một chi bộ của tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội và đến cuối năm 1929 chuyển thành chi bộ An Nam Cộng sản Đảng.

Giữa năm 1930, chi bộ An Nam Cộng sản Đảng ở làng Mỹ Quới được đổi tên thành chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam gồm các đồng chí: Trần Văn Bảy, Lê Hoàng Chu, Trương Quý Thể, Trần Văn Tám, Châu Văn Phát… Năm 1931, đồng chí Dương Kỳ Hiệp ra tù, về quê truyền bá chủ nghĩa Mác- Lênin, xây dựng phong trào cách mạng ở tỉnh Sóc Trăng, trực tiếp xây dựng các hội Nông dân, Thanh niên, Phụ nữ…, vận động nhân dân chống thuế thân, chống bọn cường hào ác bá, xây dựng các tổ chức quần chúng ở Châu Khánh, Trường Khánh, Song Phụng… Cuối năm 1932, đồng chí Dương Kỳ Hiệp đã thành lập được một Chi bộ ghép Trường Khánh - Châu Khánh, do đồng chí làm Bí thư.

Đầu năm 1931, Chi bộ Cù Lao Dung được thành lập, tiếp theo là sự ra đời của các chi bộ: Lạc Hòa, An Lạc Thôn… Việc các chi bộ Đảng lần lượt ra đời đã khẳng định lòng yêu nước nồng nàn, chí căm thù giặc, sâu sắc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào cách mạng tại đây được khôi phục và phát triển mạnh mẽ trong cao trào vận động dân chủ (1936 - 1939).

Theo chủ trương chung của Liên Tỉnh ủy Cần Thơ, cuộc vận động dân chủ (1936 - 1939) ở Sóc Trăng diễn ra mạnh mẽ. Các đồng chí đảng viên tích cực hướng dẫn nhân dân đọc sách báo tiến bộ, tổ chức diễn thuyết, các hội Ái hữu được tổ chức nhiều nơi trong tỉnh như: Nghiệp đoàn Kim hoàn, Hội Tương tế nhà vàng, Hội Ái hữu liên đoàn công chức, Hội Ái hữu liên đoàn giáo chức, Hội Ái hữu liên đoàn phụ nữ…Các cuộc đấu tranh đòi tăng lương, chống tăng tô thuế, đòi giải quyết việc làm…diễn ra rầm rộ. Nổi bật là cuộc đấu tranh với quy mô khá lớn của nông dân diễn ra vào năm 1937- 1938 đòi bãi bỏ thuế thân, giải quyết việc làm và cứu đói cho dân.

Năm 1937 chi bộ Đảng ở tỉnh lỵ Sóc Trăng được thành lập do đồng chí Nguyễn Thế Ngọc làm Bí thư.

Tháng 01/1938, chi bộ làng Hòa Tú được thành lập do đồng chí Nguyễn Tấn Đạt làm Bí thư. Chi bộ lãnh đạo quần chúng đấu tranh đòi giảm tô, giảm lãi cho vay. Tiêu biểu nhất có phong trào đấu tranh của 300 tá điền đòi địa chủ Trương Vĩnh Khánh không được tăng tô và tăng lãi vay lúa.

Giữa năm 1938 đồng chí Phạm Hồng Thám đến đồn điền La- Bách (quận Kế Sách) gầy dựng phát triển được một chi bộ, do chính đồng chí làm Bí thư.  

Trước sự phát triển của các chi bộ và phong trào cách mạng của quần chúng, đòi hỏi Sóc Trăng phải có cấp ủy Đảng cấp trên để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, chặt chẽ giữa hai bộ phận hoạt động công khai và bí mật. Cuối năm 1938, Tỉnh ủy lâm thời Sóc Trăng được thành lập gồm các đồng chí: Dương Minh Quan, Phan Minh Gương, Phan Văn Tấn, Nguyễn Trung Tĩnh và Nguyễn Văn Thơ, do đồng chí Dương Minh Quan làm Bí thư. Từ đây Sóc Trăng có Tỉnh ủy lâm thời lãnh đạo thống nhất các cơ sở Đảng và phong trào cách mạng…

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy lâm thời, phong trào cách mạng ở Sóc Trăng trong những tháng đầu năm 1939 tiếp tục phát triển. Nhiều cuộc đấu tranh chống tăng thuế và bắt lính, đòi các quyền tự do dân chủ liên tiếp diễn ra. Song song đó, Đảng bộ Sóc Trăng còn quan tâm xây dựng lực lượng bí mật, lực lượng công khai, nhằm hỗ trợ lẫn nhau trong các cuộc đấu tranh.

Trước phong trào đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng, bọn cầm quyền ở Sóc Trăng đã thẳng tay đàn áp, khủng bố, nhiều đảng viên bị bắt, một số cơ sở cách mạng bị tan rã. Trước tình hình địch tăng cường khủng bố, các chi bộ đã kịp thời rút vào hoạt động bí mật.

II. CUỘC KHỞI NGHĨA BÙNG NỔ Ở SÓC TRĂNG

1. Bối cảnh chung:

Ngày 01/9/1939, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Ngày 03/9/1939, Chính phủ Anh và Chính phủ tư sản Pháp tuyên chiến với phát xít Đức. Lợi dụng tình hình này, Chính phủ Pháp đã thi hành hàng loạt các biện pháp mang tính phát xít nhằm thủ tiêu các phong trào cách mạng dân chủ, yêu nước và tiến bộ ở Pháp cũng như ở các thuộc địa.

Tại Đông Dương, các Hội Ái hữu, các tổ chức liên quan đến Đảng Cộng sản, những tài liệu tuyên truyền có liên quan đều bị cấm. Khắp các tỉnh Nam Kỳ, nhiều cán bộ, đảng viên, hội viên các tổ chức quần chúng bị bắt, kết án và đày đi các nhà lao.

Trước tình hình chiến tranh và những chính sách phản động của bọn cai trị ở Đông Dương, đòi hỏi Đảng ta phải có những nhận định mới về thời cuộc và có sự chuyển hướng về chỉ đạo chiến lược, sách lược, phương pháp đấu tranh cho phù hợp. Vì vậy, tháng 11/1939 Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp hội nghị lần thứ 6, xác định kẻ thù nguy hiểm nhất của cách mạng Đông Dương là chủ nghĩa đế quốc và bọn tay sai, cần tập trung lực lượng đánh đổ để giải phóng dân tộc, giành lấy chính quyền. Đồng chí Phan Đăng Lưu cùng một số đồng chí khác được Trung ương phân công chỉ đạo việc thi hành Nghị quyết lần thứ VI tại Nam Kỳ.

Tháng 7/1940, Xứ ủy Nam Kỳ họp hội nghị mở rộng, nhận định tình hình và thông qua Đề cương khởi nghĩa do Thường vụ Xứ ủy khởi thảo. Đồng chí Phan Đăng Lưu, Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Trung ương Đảng, thay mặt Trung ương Đảng tham dự hội nghị. Hội nghị thảo luận sôi nổi và đề ra chủ trương chi tiết cho cuộc khởi nghĩa trong bầu không khí sục sôi quyết tâm. Sau đó đồng chí Phan Đăng Lưu ra Bắc ngay để báo cáo và xin chỉ thị của Trung ương Đảng.

Trong thời gian này, thực dân Pháp dâng 3 nước Đông Dương cho phát xít Nhật. Nhân dân ta rơi vào cảnh một cổ chịu hai tròng thống trị ngoại bang và chiến tranh đã đẩy nhân dân ta đến chỗ cùng cực lầm than.

Về phía Nhật, vừa tiến quân vào Bắc kỳ, vừa xúi giục Thái Lan điều quân đến biên giới Campuchia gây sức ép tranh chấp đất đai với Pháp. Chiến tranh Pháp - Thái nổ ra. Thực dân Pháp tại Đông Dương huy động lực lượng quân sự, phần lớn là binh lính người Việt lên biên giới chống lại quân Thái, trong đó có cả những cơ sở của Xứ ủy Nam Kỳ trong binh lính người Việt. Vì vậy, phong trào đấu tranh chống phát xít Nhật và thực dân Pháp, phong trào chống bắt lính...diễn ra khắp nơi.

Với tác động mạnh mẽ của tình hình trên, lại được khí thế của khởi nghĩa Bắc Sơn cổ vũ, Hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ vào tháng 11/1940 đã thống nhất đánh giá: dù bị thực dân Pháp khủng bố nhưng nhìn chung lực lượng quần chúng và phong trào cách mạng vẫn tiếp tục phát triển. Hội nghị bàn thảo các phương án, mục tiêu, cân nhắc về những điều kiện của cuộc khởi nghĩa. Cuối cùng Ban Thường vụ Xứ ủy quyết định lệnh cho toàn Nam Kỳ khởi nghĩa vào lúc 12 giờ đêm 22 rạng sáng ngày 23/11/1940.

Trước đó, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 7 (từ ngày 06 đến ngày 09/11/1940 tại Đình Bảng, Bắc Ninh), sau khi nghe đồng chí Phan Đăng Lưu báo cáo về phong trào cách mạng và kế hoạch khởi nghĩa ở Nam Kỳ, Trung ương cho rằng so sánh lực lượng giữa ta và địch chưa thuận lợi và công việc chuẩn bị chưa đầy đủ nên chỉ thị cho Xứ ủy Nam Kỳ hoãn ngay cuộc khởi nghĩa. Tiếc thay, đồng chí Phan Đăng Lưu về tới Sài Gòn thì bị địch bắt. Ý kiến của Trung ương về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ không kịp truyền đạt.

Ở Nam Kỳ do có kẻ phản bội nên kế hoạch khởi nghĩa bị lộ. Ngay từ sáng 22/11/1940 thực dân Pháp bí mật đối phó lại bằng cách điều quân cùng đại bác, súng máy, xe thiết giáp đến án ngữ các nơi trọng yếu. Nguy hiểm hơn là binh sĩ người Việt Nam đóng tại Sài Gòn và các tỉnh mà địch nghi vấn đều bị Pháp tước vũ khí và giam cầm nghiêm ngặt. Chúng đã làm tê liệt lực lượng quan trọng này.

Tuy vậy, cuộc khởi nghĩa vẫn nổ ra nhiều nơi. Trong 20 tỉnh ở Nam Kỳ (không kể thành phố Sài Gòn, Chợ Lớn) có 75 quận, thì đã có 56 quận thực hiện việc chuẩn bị khởi nghĩa, trong đó có 38 quận có hoạt động khởi nghĩa mạnh, yếu khác nhau và ta làm chủ 2 quận (quận Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long và quận Hóc Môn, tỉnh Gia Định); có 304/899 làng nổ ra khởi nghĩa, trong đó có 144 làng nghĩa quân giành được quyền làm chủ với nhiều mức độ khác nhau.

2. Tình hình Sóc Trăng từ cuối năm 1939 đến trước ngày 23/11/1940

Những tháng cuối năm 1939, địch thẳng tay khủng bố phong trào cách mạng ở Sóc Trăng. Nhiều đảng viên bị địch bắt, hiệu sách Thanh niên Thư quán bị đóng cửa, địch còn thu được nhiều tài liệu và truyền đơn của ta, phong trào cách mạng phải tạm lắng.

Trước tình hình này, Liên Tỉnh ủy Cần Thơ chủ trương chuyển vùng hoạt động đối với những đảng viên đã bị lộ, đồng thời để chấn chỉnh tổ chức, củng cố lại bộ máy lãnh đạo từng tỉnh. Các chi bộ ở Sóc Trăng được củng cố và thành lập mới, vừa rút vào hoạt động bí mật, vừa tiếp tục xây dựng và phát triển lực lượng quần chúng …

Ở tỉnh lỵ Sóc Trăng và quận Châu Thành, Tỉnh ủy lâm thời Sóc Trăng khẩn trương củng cố tổ chức, xây dựng hệ thống liên lạc đến các chi bộ, khôi phục và bắt liên lạc với những đảng viên và quần chúng tích cực trong các tổ chức ái hữu trước đây. Tỉnh ủy quyết định chọn Trường Khánh và Châu Khánh làm căn cứ.

Ở Hòa Tú, Tỉnh ủy lâm thời phân công các đồng chí Ba Nhung, Hai Hạo, Ba Sáng, Diệp… xây dựng và phát triển phong trào quần chúng ở các địa bàn, cùng với chi bộ Hòa Tú thành lập nhiều Hội quần chúng và tổ chức hoạt động bí mật dưới hình thức “Tam tam chế”, thành lập cơ sở in để in truyền đơn, tài liệu tuyên truyền, kêu gọi nhân dân tham gia các tổ chức chống Pháp và tay sai. Chi bộ Hòa Tú tiếp tục phát triển và đóng vai trò nòng cốt trong chỉ đạo phong trào, nhiều cuộc mít tinh, hội họp liên tục diễn ra tại Hòa Tú.

Khi tiếp nhận Nghị quyết Trung ương Đảng họp vào tháng 11/1939 về chuẩn bị khởi nghĩa, Tỉnh ủy Sóc Trăng đã triển khai chủ trương này cho các chi bộ, đồng thời chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, rải truyền đơn, treo cờ, biểu ngữ kêu gọi quần chúng đứng lên đấu tranh. Trong lúc công việc đang tiến hành sôi nổi thì đồng chí Dương Minh Quan - Bí thư Tỉnh ủy lâm thời và một số đồng chí nòng cốt khác bị địch bắt. Liên Tỉnh ủy Cần Thơ nhanh chóng thành lập lại Tỉnh ủy lâm thời.

Thời gian này, Tỉnh ủy lâm thời vẫn tiếp tục triển khai các công việc cần thiết để chuẩn bị cho khởi nghĩa. Các hoạt động mít tinh, rải truyền đơn, treo biểu ngữ liên tục nổ ra làm cho bộ máy cai trị của địch trong tỉnh vô cùng bối rối, lo sợ, tìm mọi cách ngăn chặn.

Ngày 22/11/1940, Thống đốc Nam kỳ Veber gởi công điện cho Toàn quyền Đông Dương và trích gởi khẩn cho các chủ tỉnh: “Cộng sản đêm nay có thể đánh một số nơi ở Sài Gòn và các tỉnh”. Chủ tỉnh Sóc Trăng lệnh cho bộ máy tay sai, lực lượng quân sự tăng cường các biện pháp đề phòng, cho binh lính canh gác ở những khu vực trọng yếu, khám xét, bắt ngay những người chúng tình nghi. Tuy vậy, bằng đường dây giao liên bí mật, Tỉnh ủy lâm thời Sóc Trăng đã nhận lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy vào trưa ngày 22/11/1940.

II. DIỄN BIẾN KHỞI NGHĨA Ở CÁC NƠI TRONG TỈNH SÓC TRĂNG.

1. Các điểm hưởng ứng khởi nghĩa:

Ở những nơi: Trường Khánh, Châu Khánh1, làng Khánh Hưng (tỉnh lỵ Sóc Trăng); quận Kế Sách; quận Vĩnh Châu, tỉnh Bạc Liêu (nay thuộc tỉnh Sóc Trăng); làng Mỹ Quới, quận Phước Long (nay thuộc thị xã Ngã Năm), diễn ra các hoạt động hưởng ứng khởi nghĩa, gây tổn thất nhẹ cho địch.

2. Khởi nghĩa ở làng Hòa Tú2, quận Châu Thành (nay thuộc huyện Mỹ Xuyên):

Làng Hòa Tú là nơi được Liên Tỉnh ủy và Tỉnh ủy lâm thời Sóc Trăng tập trung chỉ đạo phong trào cách mạng trong nhiều năm liền, tổ chức Đảng và các hội quần chúng khá mạnh. Khi được phổ biến chủ trương chuẩn bị khởi nghĩa của Xứ ủy, công tác tổ chức, xây dựng lực lượng được chi bộ tiến hành khẩn trương, bí mật. Đồng chí Văn Ngọc Chính - Bí thư chi bộ cùng các đảng viên thảo luận chuẩn bị kỹ phương án đánh chiếm các mục tiêu khi khởi nghĩa nổ ra.

a. Nhận lệnh và triển khai kế hoạch:

Khoảng 13 giờ ngày 23/11/1940, lệnh khởi nghĩa từ tỉnh chuyển về Chi bộ Hòa Tú. Đồng chí Văn Ngọc Chính nhanh chóng triệu tập cuộc họp, xác định cụ thể 4 mục tiêu lực lượng khởi nghĩa sẽ tấn công và triển khai ngay các công tác cần thiết. Chi bộ quyết định thành lập Ban Chỉ huy khởi nghĩa gồm 6 đồng chí, do đồng chí Văn Ngọc Chính làm Trưởng ban; tập hợp lực lượng quần chúng; bắt, cô lập và lôi kéo một số tề làng; vận động quần chúng hỗ trợ lương thực phục vụ cho đoàn quân khởi nghĩa. Bộ phận giao liên cũng được thành lập để giữ đường dây liên lạc với Tỉnh ủy khi khởi nghĩa nổ ra.

b. Đánh chiếm 4 mục tiêu:

* Đánh chiếm đồn Cổ Cò, Nhà việc làng Hòa Tú:

Đồn Cổ Cò có vị trí chiến lược, được xây dựng gần chợ Cổ Cò và nằm cạnh ngã tư sông, án ngữ kiểm soát và quản lý trục giao thông đường thủy huyết mạch Cà Mau - Sài Gòn và các khu vực chung quanh. Nơi đây có trụ sở của Ban hương chức hội tề làng Hòa Tú.

Cánh quân thứ nhất do đồng chí Hà Thành Nguyên và Trần Văn Tấn chỉ huy lợi dụng đêm tối bí mật vượt qua dãy nhà dân ở chợ, bất ngờ vây chặt đồn, reo hò vang dậy, uy hiếp tinh thần, kêu gọi mấy tên lính và cai Tốt đầu hàng. Quá đột ngột và hốt hoảng, cai Tốt cùng bọn lính có vũ khí trong tay nhưng không dám phản ứng, chia nhau cố thủ bên trong. Để giải quyết nhanh mục tiêu, một số nghĩa quân dùng kích, gậy, búa…phá cửa đồn, đập vách ngăn xông vào. Cai Tốt và hai tên lính nhảy xuống sông tẩu thoát. Lực lượng khởi nghĩa bắt giữ tên Bếp Nhành, thu được 3 khẩu súng và một số đạn, phá các tủ hồ sơ, đốt toàn bộ giấy tờ của địch.

* Tấn công nhà hương quản Tệt:

Cánh quân thứ hai do đồng chí Văn Ngọc Chính và Nguyễn Văn Thạnh chỉ huy bí mật bao vây nhà hương quản Tệt. Để tránh đổ máu, Ban Chỉ huy khởi nghĩa dùng tên Tuần Ngọ (bị ta bắt chiều 23/11/1940) gõ cửa nhà quản Tệt và nói: “Có một vụ trộm vừa xảy ra trong vùng, cần sự can thiệp gấp của hương quản”. Không nghi ngờ vì nghe giọng nói của Tuần Ngọ, tên Sện (Thắng) con của hương quản ra mở cửa, ngay lúc đó quân khởi nghĩa ập vào nhà và đánh tên hương quản trọng thương, thu một khẩu súng, một số đạn và bắt tên Sện làm con tin.

Hoàn thành tốt nhiệm vụ ở mục tiêu này, đoàn quân khởi nghĩa nhanh chóng tiến về Cổ Cò hợp nhất với cánh quân thứ nhất. Tại đây, Ban Chỉ huy khởi nghĩa cho phân phát truyền đơn đến từng nhà, kêu gọi nhân dân hưởng ứng, tham gia khởi nghĩa và tổ chức míttinh tại chợ Cổ Cò mừng thắng lợi.

* Tấn công nhà địa chủ Nguyễn Tấn Lễ:

Sau khi vượt quãng đường gần 10km từ chợ Cổ Cò, khoảng 8 giờ sáng ngày 24/11, đoàn quân khởi nghĩa tiến đến nhà địa chủ Nguyễn Tấn Lễ ở Trà Thê Lớn. Do một tên tay sai thân tín báo tin nên Nguyễn Tấn Lễ và gia đình đã trốn thoát ra tỉnh lỵ Sóc Trăng trong đêm. Nghĩa quân đã lục soát và thiêu hủy toàn bộ sổ sách, giấy tờ phát canh thu tô, giấy nợ của tá điền. Bản cung Pháp hỏi một tá điền của Nguyễn Tấn Lễ ghi lại: “Khoảng 7 giờ sáng ngày 24/11/1940, tôi trở lại nhà ông chủ tôi (Nguyễn Tấn Lễ). Trên đường đi đến đó, tôi gặp một lực lượng khoảng 70 người trang bị súng, phảng và gậy. Tôi không thể nói ai mang súng. Họ bắt buộc tôi theo họ để tấn công nhà ông chủ tôi. Họ lục xét nhà ông chủ tôi để tìm vũ khí nhưng không có một khẩu súng nào. Họ liền tiến đến nơi khác”

* Tấn công đồn điền Trương Vĩnh Khánh:

Dù qua một đêm dài không ngủ, lại phải băng đồng lội đê với quãng đường dài trên 20km, đoàn quân khởi nghĩa vẫn hừng hực khí thế tiến về đồn điền Trương Vĩnh Khánh. Đây là một trong bốn đồn điền chiếm diện tích lớn nhất của tỉnh Sóc Trăng lúc bấy giờ. Tại đây, số tay chân của Khánh đã được lệnh báo động. Chúng nổi trống, mõ tập hợp tá điền đối phó. Trước tình hình đó, Ban Chỉ huy khởi nghĩa đã nhanh chóng tập trung lực lượng, tuyên truyền giải thích, nói rõ ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa, kêu gọi anh em tá điền gia nhập vào lực lượng nghĩa quân. Lúc này Trương Vĩnh Khánh không có mặt tại đồn điền vì đang tham gia quân đội Pháp. Tám Giăng và tên Trừ quản lý đồn điền, cùng một số người làm công. Cả hai tên Giăng và Trừ khiếp sợ, súng lăm lăm trên tay nhưng không dám chống lại nghĩa quân. Đồng chí Văn Ngọc Chính tuyên bố “Đây là lực lượng của Đảng Cộng sản Đông Dương đi đánh Pháp, yêu cầu chúng nộp súng”. Được Ban Chỉ huy giải thích và vận động, đa số tá điền lần lượt ngả theo lực lượng khởi nghĩa. Thấy tình hình nguy ngập, Giăng và Trừ chạy trốn. Ban Chỉ huy liền cho lực lượng bao vây và lùng bắt được hai tên này. Lực lượng khởi nghĩa thiêu hủy toàn bộ hồ sơ, sổ sách, giấy nợ của tá điền, thu được 3 súng và một số đạn, sau đó dẫn tên Giăng và con của Trừ theo làm con tin.

Như vậy, cuộc khởi nghĩa ở Hòa Tú giành được thắng lợi trọn vẹn theo kế hoạch, giải tán bộ máy hội tề làng Hòa Tú, thiêu hủy toàn bộ hồ sơ, sổ sách của hội tề và địa chủ, thu 7 súng và đạn dược.

III. Ý NGHĨA LỊCH SỬ VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM

1. Ý nghĩa lịch sử:

- Thành quả cuộc khởi nghĩa ngày 23/11/1940 ở Sóc Trăng là to lớn, kết tinh truyền thống yêu nước, ý chí kiên cường bất khuất của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cuộc khởi nghĩa 23/11/1940 là minh chứng hùng hồn và ý thức dân tộc mãnh liệt của nhân dân Nam Kỳ, nối tiếp những truyền thống quật cường của các thế hệ đi trước, là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân địa phương.

- Khởi nghĩa Nam Kỳ là tiền đề, là bước tập dượt cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi tại địa phương. Lần đầu tiên, nhân dân tỉnh Sóc Trăng, nhất là các tầng lớp nhân dân làng Hòa Tú, tập hợp dưới ngọn cờ của Đảng, trực tiếp đấu tranh bằng vũ lực, đánh tan bộ máy cai trị của địch. Cuộc khởi nghĩa đã gây tiếng vang trong cả nước, ảnh hưởng sâu rộng trong nhân dân, làm thức tỉnh mọi người dân yêu nước, là cuộc tổng diễn tập khởi nghĩa vũ trang đầu tiên của tỉnh, tạo tiền đề cho thắng lợi của cách mạng tháng Tám 1945.

2. Bài học kinh nghiệm:

Khởi nghĩa Nam kỳ đã để lại cho chúng ta những bài học kinh nghiệm sâu sắc như sau:

Thứ nhất, vai trò lãnh đạo của các tổ chức Đảng và tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên có tính chất quyết định cho thắng lợi của cách mạng.

Thứ hai, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, phải biết tập hợp đoàn kết, phát huy sức mạnh của lực lượng quần chúng.

Thứ ba, sử dụng bạo lực cách mạng, đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù để giành độc lập tự do.

Thứ tư, xác định chính xác thời cơ là một trong những yếu tố quyết định thắng lợi của cách mạng.

*

*    *

Bảy mươi lăm năm đã trôi qua, tiếng hò reo vang dậy của những nghĩa quân Hòa Tú, Sóc Trăng vẫn còn vang vọng trong mỗi chúng ta. Tinh thần yêu nước mãnh liệt, ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất của những người con trung kiên, anh dũng của quê hương Sóc Trăng mãi mãi là tấm gương sáng, tô đậm thêm những trang sử hào hùng của Đảng bộ, quân và dân tỉnh nhà./.

                                                  Nguồn: http://www.tuyengiao.soctrang.gov.vn



Thời gian này làng Trường Khánh thuộc quận Châu Thành, làng Châu Khánh thuộc quận Long Phú.

Địa bàn làng Hòa Tú thời gian này bao gồm 4 xã hiện nay: Hòa Tú 1, Hòa Tú 2, Ngọc Tố và Ngọc Đông.

 

Tu lieu doan khoi1

cuocthi

CLBTRITHUC

CLBTHAYTHUOC

CLBBONGDA

image--facebook-icon--omori-wiki-12